Hướng dẫn cách tô tường nhà từ A-Z ai cũng cần biết

Quy trình xây nhà diễn ra theo từng giai đoạn, sau khi xây thô, giai đoạn tiếp theo là tô tường và hoàn thiện ngôi nhà. Quy trình tô tường nhà cần thực hiện đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn để tránh được những rủi ro như nứt vỡ sau này. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết biện pháp thi công, cách tô tường nhà dành cho các bạn.

Công tác chuẩn bị khi thực hiện tô tường 

Sau đây là hướng dẫn chi tiết quá trình chuẩn bị vật dụng tô tường chuẩn nhất:

1/ Chuẩn bị

Tường sau khi xây 2 ngày thì có thể tiến hành công tác tô tường (trát tường)

Nên lắp đặt hệ thống ngầm như điện, nước, điện thoại, truyền hình, cáp mạng,… trong lớp vữa tô.

Trước khi tô, cần chèn kín các lỗ hở lớn, xử lý cho phẳng bề mặt nền tô.

Tiến hành đóng lưới thép chống nứt trên các kết cấu cùng mặt phẳng tường xây ở vị trí tiếp giáp giữa kết cấu bê tông kết cấu chính và khối tường xây, trên các góc đà lanh tô cửa đi và tường.

tường gạch

Cách tô tường nhà: Tường trước khi tô

2/ Dụng cụ

Dụng cụ chuẩn bị vữa gồm: cuốc lưỡi tròn để trộn vữa và xẻng đầu vuông để xúc vữa,hộc đựng vữa cao không quá 20cm, xô, xe cút kít (xe rùa), xe cải tiến, rây để sàng xi măng, bột màu, sàng để lọc vôi.

Dụng cụ dùng để tô:

  • Bay: Ngoài bay tô thông dụng còn có bay lá đề, bay lá tre, bay lá muống, bay trát vẩy,… Bay cần có tính đàn hồi và nhẹ. Ngoài chức năng tô tường bay còn dùng để chất đống và định lượng gần đúng vật liệu. Trộn hỗn hợp khô, nhào, san bằng, xoa nhẵn và cắt vữa, cạo sạch dụng cụ khi bị vữa bám,…
  • Bàn xoa gồm có bàn lột vữa dùng để tô và san bằng vữa lên tường. Và bàn xoa phẳng dùng để xoa nhẵn bề mặt trát vữa.
  • Thước: thước tầm bằng gỗ hoặc nhôm. Dùng để sửa tinh lớp vữa trát ở góc trần, ở các cột, các đường trang trí. Cán phẳng vữa trên các bề mặt theo mốc, cùng với nivô kiểm tra độ thẳng đứng, ngang bằng khi xây tô, làm cữ trát ở góc tường. San gạt cát, vữa khi láng và lát nền. Ngoài ra còn có thước trát hèm để làm cữ tô hèm cửa.
Dụng cụ tô tường

Cách tô tường nhà: Dụng cụ tô tường

3/ Vật liệu tô tường

Vữa tô tường là hỗn hợp gồm chất kết dính (xi măng, vôi), cốt liệu mịn (cát đen, cát vàng) và nước.

Nên dùng cát đen xây dựng để trát. Và cát dùng để chế tạo vữa tô phải được sàng qua các loại sàng thích hợp để đạt được kích thước hạt cốt liệu lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 2,5mm khi tô nhám mặt hoặc tô các lớp lót và nhỏ hơn hoặc bằng 1,25mm khi tô các lớp hoàn thiện bề mặt.

Xi măng thường dùng là xi măng Poóc lăng có mác từ PC20 đến PC30. Xi măng dùng cho lớp tô mặt ngoài phải chọn cùng một lô sản xuất cho một mặt tô để đảm bảo đồng đều màu sắc của công trình.

Nước phải sạch và không có các tạp chất có thể ảnh hưởng đến tốc độ đông cứng của vữa tô. Không nên dùng nước đã rửa dụng cụ của thợ tô vữa vì nó có thể làm thay đổi tốc độ đông cứng.

4/ Một số phụ kiện khác

Ngoài những vật liệu phổ biến trên, vữa tô còn được cho thêm một số loại vật liệu cũng như phụ gia khác để biến đổi tính chất vữa theo hướng mong muốn.

  • Đá dùng làm cốt liệu trong lớp tô mặt ngoài là đá hạt đập từ đá thiên nhiên, sỏi hạt đập từ cuội và sỏi dùng trong xây dựng. Đá thường dùng để thi công tô trang trí.
  • Bột đá sử dụng nhằm tiết kiệm xi măng và điều chỉnh cường độ của lớp vữa tô mặt ngoài cho phù hợp với yêu cầu thiết kế.
  • Bột màu, chất tạo màu dùng để tạo màu cho vữa.
  • Lưới chống nứt có tác dụng chống nứt cho những chỗ tiếp giáp tường – cột, tường – đà, các mép cửa, những vị trí có nguy cơ bị nứt cao như những chỗ bo tròn, góc vuông, cầu thang, chỗ tiếp nối, đường điện, nước âm tường,…
  • Lưới thủy tinh dạng lưới không gợn sóng được dùng như vật liệu tăng cường sức chịu lực. Dùng kết hợp với chất chống thấm lỏng, dùng chống thấm đặc dụng cho những vị trí, những cấu trúc xây dựng có độ giao động thường xuyên.
  • Phụ gia chống thấm giúp cho vữa có khả năng ngăn chặn sự thấm nước giúp cho vữa chống được nước, hóa chất nhẹ và ảnh hưởng thời tiết.
  • Ngoài ra còn có một số loại phụ gia khác như phụ gia chống ăn mòn, chống nứt vữa,…
Phụ gia chống thấm

Cách tô tường nhà: Phụ gia chống thấm

 

Hướng dẫn trộn vữa nhanh và đều

Có 2 cách trộn vữa thông dụng đó là trộn bằng máy và trộn bằng tay.

Máy trộn làm phân tán thành phần hỗn hợp đều hơn, năng suất trộn cao nên được sử dụng nhiều trong xây dựng. Quy trình trộn như sau:

  • Đổ lượng nước theo yêu cầu đã dự tính vào trong máy trộn.
  • Thêm khoảng nửa phần cát yêu cầu.
  • Đổ toàn bộ xi măng.
  • Đổ nốt phần cát còn lại.
  • Trộn ít nhất 30 giây nhưng không quá 3 phút. Thêm nước hoặc phụ gia nếu cần thiết, để đạt khả năng làm việc thích hợp.
  • Đổ toàn bộ mẻ trộn cùng một lúc

Đối với trộn bằng tay, trước tiên trộn khô cát và xi măng đạt tới một màu đồng nhất. Sau đó thêm nước vào, ngay lập tức trộn cẩn thận vữa tô. Vữa tô trộn không đều thì rất khó lên vữa và sẽ tạo ra các vết đốm cứng và mềm trên bề mặt tô. Không trộn vữa xi măng trước khi sử dụng 1 giờ đồng hồ. Cũng không được trộn lẫn với vữa đã trộn trước. Và một khi vữa đã bắt đầu đông cứng thì không được trộn lại để dùng.

Trộn vữa khô

Cách tô tường nhà: Trộn vữa khô trước khi đổ nước

Chi tiết cách tô tường nhà đẹp và nhanh

Vệ sinh bề mặt tường và tưới ẩm phù hợp

Bề mặt tô phải sạch và nhám để đảm bảo cho lớp vữa bám chắc. Trước khi tô, bề mặt phải được làm sạch, cọ rửa hết bụi bẩn, các vết dầu mỡ. Nếu bề mặt gồ ghề, lồi lõm thì cần phải đục đẽo hay đắp thêm tạo cho bề mặt tương đối bằng phẳng rồi mới tiến hành tô tường. Nếu bề mặt kết cấu quá trơn cần tạo độ nhám để vữa tô dính vào. Tưới nước ẩm cho tường trước khi tô. Tránh để tường khô trong quá trình tô sẽ hút nước từ vữa gây nứt nẻ cho bề mặt tô.

tưới ẩm tường

Cách tô tường nhà: Tưới ẩm tường trước khi tô

Cách tô tường nhà nhanh

Đắp mốc phía trên trước sau đó mới thả con rọi xuống để xác định mốc dưới. Khoảng cách giữa các mốc phải nhỏ hơn thước nhôm để kiểm tra độ phẳng. Tô phía trên trước, phía dưới sau, tô từ góc tô ra, tô nhát sau phải liền mí với nhát trước, mặt vữa chỗ giáp mí phải bằng phẳng. Khi tô lớp lót được một khoảng vừa tầm thước cán mà thấy vữa đã se mặt thì quay lại lấy vữa tô tiếp lớp thứ hai cho cả hai lớp vữa dày vừa bằng mặt mốc đã làm. Tô xong nửa trên của bức tường rồi mới tô nửa dưới.

Tô tường từ trên xuống

Cách tô tường nhà: Tô tường từ trên xuống

Sau khi tô xong lớp thứ hai đủ một tầm thước, thấy mặt vữa se mặt thì lấy thước dựa trên các mốc cán thành hai đường cữ dọc làm chuẩn để cán cho mặt tường được phẳng. Khi cán xong, gạt sạch vữa ở thước, rà lại mặt tô một lần nữa xem chỗ nào còn lõm thì bù thêm vữa, chỗ nào lồi thì gạt vữa đi cho mặt tô phẳng đều.

Cứ thế cán xong đoạn này, tiếp tục chuyển sang đoạn khác. Khi cán sang đoạn khác, lúc rà thước phải đưa một nửa thước sang chỗ cán trước để rà cho các đoạn tô cùng nằm trên một mặt phẳng.

Cán thước

Cách tô tường nhà: Cán thước

Sau khi cán thước xong thì tiến hành xoa. Xoa từ trên xoa xuống, xoa những chỗ giáp mí trước cho đều. Khi xoa chỗ nào khô thì cho thêm nước vào. Chỗ nào ướt quá thì không nên xoa ép dễ bị rạn nứt. Cứ thế xoa hết chỗ này loang dần đến chỗ khác làm cho mặt tường phẳng, mịn, đều.

Cách tô tường nhà xoa tường

Cách tô tường nhà: Xoa tường

Tô tường dày bao nhiêu?

Chiều dày lớp vữa tô phụ thuộc vào yêu cầu thẩm mỹ, độ phẳng của nền trát. Tùy vào loại kết cấu, loại vữa và phương pháp thi công tô. Chiều dày lớp tô trần nên tô dày từ 10 – 12mm. Nếu tô dày hơn phải chống lở bằng cách tô trên lưới thép hoặc tô thành nhiều lớp mỏng.

Chiều dày lớp tô phẳng đối với kết cấu thông thường không nên quá 12mm. Khi tô chất lượng cao không quá 15mm và chất lượng đặc biệt cao không quá 20mm. Chiều dày mỗi lớp vữa không được vượt quá 8mm. Khi tô dày hơn 8mm, phải tô thành hai hoặc nhiều lớp. Trong trường hợp sử dụng vữa vôi hoặc vữa tam hợp. Chiều dày mỗi lớp vữa bắt buộc phải nằm trong khoảng từ 5 – 8mm.

Khi tô nhiều lớp, nên kẻ mặt tô thành các ô quả trám để tăng độ bám dính cho các lớp tô tiếp theo. Ô trám có cạnh khoảng 60mm, vạch sâu từ 2 – 3mm. Khi lớp tô trước se mặt mới tô tiếp lớp sau. Nếu mặt lớp tô trước đã quá khô thì phải phun nước làm ẩm trước khi tô tiếp.

Tường sau khi tô được 4-6 tiếng phải tưới nước bảo dưỡng. Quá trình bảo dưỡng được kéo dài từ 2-3 ngày. Nếu thời tiết khô, nhiệt độ cao cần được tưới bảo dưỡng thường xuyên để tránh nứt tường. Như vậy, với những hướng dẫn cơ bản nêu trên, sẽ giúp bạn hiểu rõ được quy trình thực hiện của công đoạn tô tường như thế nào.

Kỹ thuật tô tường không chuẩn sẽ gây ra những sự cố gì?

Thời điểm hiện nay, quá trình đô thị hóa càng ngày càng nhanh. Các công trình mọc lên như nấm. Tuy nhiên có rất nhiều công trình chỉ quan tâm đến tiến độ. Mà bỏ qua nhưng chi tiết trong quá trình xây dựng. Nhiều nơi không thực sự quan tâm đến chất lượng tô tường. Đặc biệt là các công trình nhà ở trong thành phố. Việc này sẽ xảy gây ra những vấn đề nghiêm trọng sau:

tường bị nứt

+ Tường bị nứt xẻ, nứt chân chim, nứt theo đường ống của hệ thống điện âm tường

+ Tường bị nứt dọc theo đà, cột bê tông

+ Tường gồ ghề không bằng phẳng. Làm giảm tính thẩm mỹ của công trình

+ Sau một thời gian sử dụng sẽ bị thấm nước mưa từ ngoài vào bên trong tường

Leave a Reply